Phế Đô
Phan_15
Trang Chi Điệp cứ nói, cứ nói, cũng không kìm nổi bản thân, liền đặt bát cơm xuống. Liễu Nguyệt bèn cất tiếng:
- Thầy giáo Điệp đang đọc thơ trữ tình đây này.
Nhưng Trang Chi Điệp lại thấy Chu Mẫn cúi đầu xuống, liền hỏi:
- Chu Mẫn ơi, cậu có cảm thấy như thế không?
Chu Mẫn đáp:
- Thầy giáo Điệp ạ, em thổi huyên đấy!
Trang Chi Điệp "a" lên một tiếng, cứ há hốc mồm, không ngậm lại được. Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt cũng dừng cả lại. Chu Mẫn nói:
- Em thổi vớ vẩn ấy mà, chỉ là để giải buồn, nào ngờ thầy giáo đã nghe được. Nếu thầy thích nghe thật, thì hôm nào em sẽ ghi một băng nghiêm chỉnh đem đến tặng thầy giáo. Nhưng em không rõ hiện nay thầy giáo là danh nhân, muốn gì được nấy, lòng nghĩ là việc thành, mà lại thích nghe huyên là vì sao?
Nói xong, từ túi khoác lấy ra một vật màu đen giống như lọ gốm nhỏ, bảo đây là cái huyên.
Trang Chi Điệp đã biết thế nào là tiếng huyên, song chưa thấy hình dáng cái huyên liền cầm xem háo hức lắm, thật là hiếm có, hỏi mua thứ này ở đâu, anh bảo đã từng đến cửa hàng nhạc cụ hỏi có huyên không, người bán hàng lại không biết huyên là thứ gì. Chu Mẫn nói, đây là nhạc khí thời xưa, hiện giờ rất hiếm người sử dụng, khi còn ở Đồng Quan, anh đã nghe một nghệ nhân già dân gian thổi huyên và đi học thổi một thời gian. Sau khi đến Tây Kinh, đào đất ở am ni cô đã đào được cái đồ gốm bé nhỏ này, chẳng ai nhận ra là cái gì, anh liền thu giữ, mới lên tường thành tập thổi, thổi còn tập tọc, chưa đâu vào đâu cả. Hai người bỗng chốc nói chuyện say sưa. Trang Chi Điệp bảo:
- Không hiểu sao mình nghe lại thích, lại hợp mùi vị, mình còn thu một băng nữa, cậu thử nghe xem, vị đượm lắm!
Nói xong, liền ấn nút thay băng, băng phát ra là thứ nhạc đám ma. Ngưu Nguyệt Thanh bước đến tách một cái, tắt máy. Chị bảo:
- Có thấy nhà ai thưởng thức nhạc đám ma đâu nào?
Trang Chi Điệp nói:
- Em cứ chú ý nghe, nghe xong cũng thích cho mà xem.
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Em vĩnh viễn không bao giờ thích đâu. Anh mở băng này ra nghe, người ngoài tưởng nhà mình có người chết.
Trang Chi Điệp đành phải nhăn nhó đóng máy cassette, ngồi xuống ăn cơm. Liễu Nguyệt hỏi:
- Thầy giáo Điệp cũng sợ vợ ư?
Trang Chi Điệp đáp:
- Tôi đâu có sợ vợ, chỉ có điều vợ không sợ tôi thôi!
Ngưu Nguyệt Thanh cố ý tỉnh bơ lời nói vui của chồng.
Trang Chi Điệp liền khen một câu:
- Cháo nấu ngon quá.
Anh húp hết một bát cháo, bỏ đũa xuống, hỏi Chu Mẫn còn có chuyện gì không, nếu không tối nay đến nhà Mạnh Vân Phòng tán chuyện. Chu Mẫn bỗng tỏ ra khó nói, ấp a ấp úng một lúc rồi cất cao giọng:
- Em có chuyện muốn nói với thầy giáo, thầy giáo cứ ăn cơm đi đã.
Trang Chi Điệp nói:
- Mình ăn xong rồi, cậu cứ nói đi.
Chu Mẫn thưa chuyện:
- Em chỉ muốn biết ơn thì đền ơn, nên đã viết một bài tuyên truyền cho thầy giáo, nào ngờ lại đâm ra rắc rối. Chị Cảnh Tuyết Ấm đã trả phép, làm ầm ĩ dữ lắm. Lãnh đạo cũng có thể tìm đến thầy để xác minh sự thực. Em đến để báo tin trước và nghe ý kiến của gia đình.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Tôi và thầy Điệp của cậu đã đọc bài ấy rồi.
Chu Mẫn bỗng hốt hoảng, lúng túng, hỏi lại:
- Cô Thanh cũng xem rồi ư?
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Không có chuyện thì không nên bịa chuyện, khi xảy ra chuyện, cũng không cần sợ chuyện. Việc này nếu làm ầm ĩ, thì tôi là người nên làm, chị Cảnh Tuyết Ấm làm ầm ĩ cái gì? Bài văn tuy không do Trang Chi Điệp viết, nhưng không xem mặt sư, thì xem mặt Phật, tình cảm ngày xưa, một chút cũng không quý trọng, nói trở mặt là trở mặt luôn ư!
Trang Chi Điệp không tiếp lời Ngưu Nguyệt Thanh, chỉ sa sầm nét mặt, hỏi tỉ mỉ tình hình trong Sở và trong toà soạn tạp chí, rồi than thở:
- Mình đã dặn đi dặn lại, người ta vừa về một cái liền đến gặp giải thích trước, các anh lại bỏ ngoài tai! Bây giờ đã xảy ra chuyện này, phía đối lập của chị ấy chắc chắn sẽ châm chọc, vui mừng trước tai hoạ c cnn khác, cộng thêm Vũ Khôn nhân cơ hội kích động giật dây, mượn chồng chị ta lại gây sức ép với chị ta. Con người ai cũng có lòng tự tôn, chị ta không làm ầm ĩ một trận, thì người ngoài, lại cứ tưởng chị ta im lặng thừa nhận. Cho dù đã làm ầm ĩ lên, thì có thể sẽ không giơ lên rồi lại lặng lẽ bỏ xuống đâu. Chị ta là người xưa nay chưa bao giờ chịu thiệt, quen mạnh mẽ rồi, hòn đá kéo lúa dã nằm lại ở lưng chừng dốc, thì không rơi xuống đâu.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Bây giờ Cảnh Tuyết Ấm đã hoàn toàn trở mặt, mà anh chỉ suy nghĩ từ góc độ của chị ta ư? Chu Mẫn viết bài, tạp chí đăng ra, về chủ quan ai chẳng tốt với anh nào? Anh nói vậy, một hòn đá gõ được ba cái chuông kêu, làm bao nhiêu người chán nản.
Trang Chi Điệp nghe xong, trong lòng điên tiết song đã nín nhịn và bảo:
- Vậy thì anh làm thế nào?
Chu Mẫn nói:
- Trong Sở nếu ai hỏi tình hình, thì thầy giáo chỉ cần xác nhận nội dung bài viết đề là sự thật, thậm chí thầy giáo có thể nói…câu này sợ cô Thanh không thích nghe.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Cậu cứ nói thẳng ra đi.
Chu Mẫn nói tiếp:
- Thầy có thể nói đã ân ái với chị ta, viết như thế vẫn chưa đủ. Trong tình yêu có chuyện ấy là bình thường. Thầy giáo bảo có, chị ta bảo không, thì tìm chứng cứ ở đâu? Một vũng nước đã khuấy đục lên, thì ai bảo là trong?
Trang Chi Điệp lập tức đứng dậy, sắc mặt tái đi:
- Làm sao cậu nghĩ ra được chủ trương ấy hả? Mình nói chuyện không cần nói giữ trách nhiệm, thì ít nhất cũng phải có lương tâm chứ!
Ngưu Nguyệt Thanh cũng bảo:
- Chu Mẫn này, không được nói như thế. Thầy giáo Điệp của cậu có địa vị xã hội, không so bì với tôi và cậu được. Nói như thế, thì bên ngoài đồn ầm lên, thì thầy giáo của cậu chẳng trở thành tên lưu manh, kẻ vô công rồi nghề của thành Tây Kinh hay sao? Tôi đi ra ngoài còn mặt mũi nào ăn nói với người ta cơ chứ?
Chu Mẫn nghe xong mặt đỏ ửng, giơ tay tát luôn vào mồm mình, nói đầu óc u mê rồi, sở dĩ có ý nghĩ khốn nạn ấy,cũng do bản thân chưa từng trải việc đời vừa nghe thấy chỉ thị của lãnh đạo tỉnh đã hoảng sợ, liền van nài đi van nài lại, xin thầy giáo và cô tha thứ. Trang Chi Điệp bực tức tới mức cầm cốc nước lên uống. Cốc đã chạm vào mồm, mới phát hiện ra trong cốc không có nước trài, đặt cốc xuống, quay mặt đi chỗ khác. Ngưu Nguyệt Thanh bước tới rót trà vào cốc cho chồng, rót cả cho Chu Mẫn rồi bảo:
- Chu Mẫn này, cậu cần gì phải làm thế cơ chứ? thầy giáo Điệp của cậu sao không hiểu cậu? Thôi, đừng có nói mãi tha thứ hay không tha thứ. Nói nhiều, làm cho người ta cảm thấy khó chịu.
Chu Mẫn liền trở nên thật thà, ngoan ngoãn nói:
- Em cũng bực quá mà nói như thế trước mặt thầy giáo và cô. Vậy thì phải xử lý thế nào?
Trang Chi Điệp nói:
- Mình có biện pháp gì ư? Nhưng có một điều, mình không thể thừa nhận tình yêu.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Sự việc đã qua rồi, em vốn không muốn nói nhiều, về chuyện anh và con người họ Cảnh kia có yêu nhau hay không, trước khi em quen biết anh, em không để tâm nhiều làm gì, nhưng chúng ta đều đã đính hôn rồi, con người họ Cảnh kia vẫn còn thì thụt cuốn níu nhau, em không mù đâu, em biết hết, đã từng khuyên anh đừng có đi lại với chị ta, nhưng anh vẫn không tiếc sức làm tổn thương đến em, bảo vệ, che chở cho chị ta. Em cho rằng chị ta cao thượng lắm, có cảm tình với anh, nào ngờ chị ta đẩy anh xuống vực, xuống giếng!
Trang Chi Điệp nói:
- Em có nói in ít một chút được không? Hễ động đến chuyện này là em càng lên mặt, làm mình làm mẩy.
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Anh cứ tưởng em ăn dấm phải không, em lại thấy đáng thương cho anh đấy!
Thấy không khí căng thẳng, Liễu Nguyệt vội khuyên can. Chu Mẫn cũng đành chỉ oán hận bạn thân không tốt, Ngưu Nguyệt Thanh mới nói:
- Những chuyện ấy em cũng đã nín nhịn, nhưng sự việc đã đến nước này, đối với Cảnh Tuyết Ấm, anh lại không hận không tức đã khiến cho em thất vọng. Anh không thừa nhận là tình yêu, vậy thì nói thế nào về quan hệ của anh với chị ta?
Trang Chi Điệp đáp:
- Là đồng chí, là bạn bè.
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Thế thì mấy vụ viết trong bài ấy sao không xảy ra với người khác của toà soạn tạp chí?
Trang Chi Điệp đáp:
- Thì càng hữu hảo hơn bè bạn, đồng chí thông thường chứ sao nữa!
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Thì cứ tin cả ở anh những điều ấy, nhưng anh đã đứng trước hiện thực chưa? Hiện giờ giọng điệu viết trong bài văn là giọng điệu yêu đương, nếu anh kiên trì không thừa nhận tình yêu, thì chỉ có toà soạn tạp chí và Chu Mẫn ăn đòn mà thôi! Nhưng như vậy, thì ngoài xã hội người ta đánh giá anh như thế nào? Họ sẽ bảo vì một người đàn bà, Trang Chi Điệp đã đẩy một loạt bạn bè ủng hộ anh, tuyên truyền cho anh vào chỗ chết.
Trang Chi Điệp nói:
- Như vậy em đã buộc anh phải làm theo sự chi phối và điều khiển ư?
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Người ta bảo đó là đồng nát, anh lại cứ khăng khăng bảo là vàng, quả thật anh vẫn còn quyến luyến với con người họ Cảnh ấy, thôi thì anh cứ làm theo ý mình – quay sang nói với Chu Mẫn – Chu Mẫn này, cậu cứ về nói với anh em Chung Duy Hiền, đấy là các cậu cần quảng cáo Trang Chi Điệp, thế thì đáng kiếp, mình làm mình chịu, còn cậu cũng thu dọn hành lý, ngày mai trở lại am ni cô mà làm thuê.
Nói xong Ngưu Nguyệt Thanh đứng dậy, đi vào buồng ngủ. Trang Chi Điệp nét mặt rầu rĩ đi đi lại lại trong phòng khách. Chu Mẫn thì cứ ngẩn người tại chỗ, ngồi chẳng phải, đứng cũng chẳng phải. Liễu Nguyệt thấy thương quá, liền lấy từ trong tủ lạnh ra một đĩa mận và mơ mời Chu Mẫn ăn. Chu Mẫn không ăn, hai người đưa đẩy nhau. Trang Chi Điệp bước tới cầm một quả đưa cho Chu Mẫn, một quả cho mình, ăn rồi nói:
- Thế này nhé. Cậu cứ khẳng định những chuyện cậu viết đều có căn cứ thực tế, cũng có thể nói mình cung cấp, song khi mình cung cấp không điểm mặt chỉ tên là có chuyện xảy ra với Cảnh Tuyết Ấm, mình chỉ cung cấp tình hình đã từng tiếp xúc với nhiều cô gái trong đời sống trước đây của mình. Nội dung viết trong bài văn hiện nay có thể có chuyện của Cảnh Tuyết Ấm, cũng có thể hoàn toàn không có. Tuy cậu viết là thể ký, nhưng lại theo quy luật của sáng tác văn học, là tập trung, khái quát, qui nạp những chuyện mình giao du với nhiều cô gái vào một hình tượng bằng hình thức ký hiệu cô X này. Như thế được chứ? Theo lý do này, dù bên nào gây khó khăn quở trách, cậu cũng có thể đối phó được, chẳng việc gì cả đâu.
Chu Mẫn trầm ngâm do dự một lúc, mới nói:
- Vậy cứ làm như thế.
Nói xong xin phép ra về. Ngưu Nguyệt Thanh nghe thấy tiếng đóng cửa, biết Chu Mẫn đã đi về, ngồi trên giường ngủ gọi:
- Chi Điệp ơi, anh vào đây!
Trang Chi Điệp đẩy cửa buồng, thấy vợ dựa người vào giường đang dùng kem rửa mặt lau rửa cáu mỡ trên mặt, liền bảo:
- Em được lắm, trước mặt Chu Mẫn em đã không vạch sai lầm của cậu ta, mà còn nói những lời như thế, em để Chu Mẫn đánh giá anh như thế nào, cho rằng anh đòi hy sinh cậu ta và những người trong toà soạn tạp chí phải không?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Em có nói thế đâu. Cuối cùng anh co chủ trương thế không?
Trang Chi Điệp trả lời:
- Em có biết ngọn nguồn của Chu Mẫn không? Xét cho cùng thì anh mới quen cậu ta. Cậu ta mượn danh nghĩa của anh đến làm việc ở toà soạn tạp chí, trong lòng anh đã không cảm thấy vui vẻ, bây giờ gây chuyện rắc rối này, mà em lại thiên vị cậu ta. Chuyện này sau đây gặp Cảnh Tuyết Ấm anh như thể nói như thế nào?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Anh vẫn còn muốn tốt đẹp với chị ta sao?
Trang Chi Điệp hừ một tiếng, kéo chặt cửa buồng, ngồi trong phòng khách hút thuốc. Lúc này loáng thoáng nghe thấy tiếng huyên, nghe một mạch cho đến lúc tiếng huyên chấm dứt, giục Liễu Nguyệt ngồi ngủ gật trên ghế xa lông cũng về gian buồng bỏ không ngủ rồi, anh vẫn còn ngồi ở phòng khách, lại đem cái băng nhạc đám ma lắp vào máy phát mở thật nhỏ chiết áp rồi tắt đèn. Cả phần xác và phần hồn chìm đắm trong giới hạn mà ngay đến bản thân cũng không sao nói rõ được.
Chương 13
Trong mấy ngày liền, Chu Mẫn đi sớm về muộn. Ngày nào cũng bám trụ ở toà soạn tạp chí. Lúc về nhà cũng chẳng buồn nô đùa vui vẻ với Đường Uyển Nhi. Đường Uyển Nhi không yên thân. Mấy lần ca cẩm lâu lắm rồi cũng không đi Nhà ca múa "Hỉ lai đăng", Chu Mẫn chỉ lần hứa hôm nay bảo ngày mai, ngày mai bảo ngày kia
Đường Uyển Nhi lại nhắc tới chuyện thầy giáo Điệp mở một hiệu sách trên phố ở bên trái bảo tàng Rừng Bia, cũng nên đi xem, một là xem có sách nào hay không, hai nữa cũng là để tỏ ra quan tâm đến chuyện của thầy giáo. Chu Mẫn gạt đi, bảo:
- Anh làm gì có tâm sự nhàn rỗi như em, muốn đi thì em cứ việc đi là xong.
Không cầm cái huyên lên tường thành tập thổi, thì Chu Mẫn lăn ra ngủ. Đường Uyển Nhi cũng giận dỗi. Ngày đêm chẳng ai nói chuyện với ai. Ban ngày Chu Mẫn đi làm rồi, thì thật ra Đường Uyển Nhi không đi chơi phố một mình, chỉ ở nhà ra công chưng diện, kem phấn bôi tới mức thơm ngào ngạt, lông mày tỉa thật mảnh, thật đều, vểnh tai nghe vùng sắt ở cổng va chạm, tưởng là Trang Chi Điệp đã đến. Hôm ấy lần đầu tiên việc ấy thành công, Đường Uyển Nhi mừng đến mức tờ giấy dán cửa sổ cuối cùng đã chọc thủng, cứ tưởng tấm thân này đã thuộc về Trang Chi Điệp, không ghìm nổi tâm trạng toàn thân rạo rực, nét mặt đỏ bừng, nhìn khách đi đi lại lại, nhìn vào cây lê trong sân và Đường Uyển Nhi ở dưới gốc cây một cách lạnh nhạt. Trong nỗi tức giận chị ta đã cười một cách lạnh lùng, cứ đợi đến một ngày nào đó biết ta là người như thế nào của Trang Chi Điệp, xem các người có đến xum xoe nịnh bợ ta không,ta sẽ vẩy bẩn lên mặt các người để các người không có chỗ nào mà nấp! Nhưng ngần ấy ngày rồi Trang Chi Điệp không đến, liền mình tự giận mình, dũ rối tinh mái tóc đã chải óng mượt, hà cái miệng bôi son đỏ chói sát vào mặt gương thành hình vòng tròn đỏ, rồi lại hà vào cánh cửa một vòng tròn đỏ nữa. Đêm nay trăng sáng vằng vặc. Chu Mẫn lại lên tường thành thổi huyên. Đường Uyển Nhi khép cổng, tắm trong bồn tắm. Sau đó khoác cái áo ngủ trên thân thể loã lồ ngồi trên chõng tre dưới cây lê, ngồi lâu lắm, vô cùng yên tĩnh, nghĩ đến Trang Chi Điệp, tự hỏi tại sao anh không đến nữa nhỉ? Giống như những người đàn ông khác trên đời, cái hôm ấy chỉ là sự rung động đột ngột, xong việc một cái là quên sạch, chỉ còn nhớ một con số là đã chiếm hữu thêm được một người đàn bà có phải không? Hay Trang Chi Điệp là một nhà văn, anh chỉ cần thể nghiệm một cảm xúc trên người ta để sáng tác chăng? Cứ thế nghĩ đi nghĩ lại. liền nhớ tới cảnh tượng của ngày hôm ấy lại hoàn toàn phủ định. Trang Chi Điệp không như thế đâu. Anh ấy lần đầu tiên bắt gặp ánh mắt ấy của mình, cử chỉ nhút nhát sờ sợ của anh ấy tiếp cận mình và hành vi phát cuồng phát điên sau đó, làm cho Đường Uyển Nhi tự tin. Trang Chi Điệp thật lòng yêu mình . Trong kinh nghiệm đã qua, người đàn ông đầu tiên của Đường Uyển Nhi là một công nhân, lần ấy anh ta đã cưỡng ép, giằn chị ta xuống giường, thì chị ta từ đó lấy anh ta luôn. Nhưng ngày sau khi cưới, chị ta là ruộng của anh ta , anh ta là cái cày của chị ta, anh ta muốn cày lúc nào thì cày, anh ta trèo lên trong đêm tối mò mò, chị ta chưa kịp có cảm giác thì anh đã xong việc. Sống chung với Chu Mẫn, đương nhiên có cái sung sướng mà với người đàn ông kia không có. Song suy cho cùng, Chu Mẫn là thường dân của huyện lỵ nhỏ, đâu có so được với đại danh nhân trong thành Tây Kinh. Nhất là lúc đầu Trang Chi Điệp còn ngượng nghịu, nhút nhát, song một khi đã nhập cuộc thì cứ nắn bóp và âu yếm mãi, lắm trò và nhiều cách như thế. Đường Uyển Nhi mới biết thế nào là sự khác nhau giữa thành phố và nhà quê, thế nào là khác nhau giữa tri thức và không có tri thức, thế nào là đàn ông và đàn bà thật sự. Đường Uyển Nhi cứ miên man suy nghĩ như vậy. Khi cái chõng cọt kẹt, cọt kẹt, nhích dần từng tấc, từng tấc sát hẳn vào cây lê thì bất chợt mắt lim dim nhìn ông trăng trên bầu trời ở chỗ chạc cây, liền có ảo giác đó là khuôn mặt của Trang Chi Điệp. Thế là cũng đạp vào thân cây, ưỡn thẳng người đẩy lên, cây lê liền rung lên ào ào, lay động ông trăng loạn xạ, cho mãi đến cuối cùng đạp thật mạnh một cái, rồi im hẳn, vài ba chiếc lá lê rơi nghiêng bay một vòng, đắp lên người Đường Uyển Nhi. Đường Uyển Nhi đã hao tổn tâm hồn và thể xác, không ngồi dậy, vẫn nằm ngửa trên chõng, chỉ có điều cơ thể mềm nhũn như đã róc mất xương, vẫn còn ngây dại ra đó. Thổi huyên xong, Chu Mẫn trở về, hỏi:
- Chưa ngủ hả em?
Đường Uyển Nhi suổi những chiếc lá phủ trên người, kéo áo che cặp chân trắng hếu, trả lời:
- Chưa ngủ.
Và vẫn nằm yên. Chu Mẫn ngán ngẩm nhìn mặt trăng treo lơ lửng trên bầu trời trong sân một lúc, rồi bảo:
- Trăng đêm nay đẹp quá!
Đường Uyển Nhi cũng bảo:
- Đẹp!
Nhưng lại nghĩ lúc này Trang Chi Điệp đang làm gì nhỉ? Đang đọc sách trong phòng sách, hay đã đi ngủ rồi? Trong lòng thầm thì: anh Điệp ơi, hãy để em tạm thời xa anh, em phải chung sống với một linh hồn khác dưới mái nhà này, đừng đóng cửa anh nhé, gió sẽ vần thổi vào anh đấy, có lẽ anh sẽ đột nhiên tỉnh lại, dường như đã nghe thấy có tiếng động khe khẽ phải không. Nhưng dừng động đậy đấy, Trang Chi Điệp của em ơi, cứ nhắm mắt của anh vào, cuộc trò chuyện của chúng mình bắt đầu nhé?
Chu Mẫn rửa mặt trong bếp xong, vẫn thấy Đường Uyển Nhi nằm thừ trên chõng, liền bảo:
- Sao em vẫn chưa đi ngủ hả?
Đường Uyển Nhi hằn học đáp:
- Ghét mặt, nói lắm thế, anh cứ đi mà ngủ.
Nói xong rồi xỏ dép lê ra mở cổng. Chu Mẫn bảo:
- Muộn thế này còn đi ư?
Đường Uyển Nhi nói:
- Em không ngủ được, ra ngã tư mua kem!
Chu Mẫn nhắc:
- Em mặc áo ngủ đi à?
Chiếc áo ngủ màu trắng tung tẩy, Đường Uyển Nhi đã đi đến ngõ phố.
Đường Uyển Nhi đã ra đến cửa hàng kem, nhưng không mua kem mà nhờ điện thoại của nhà hàng gọi điện. Liễu Nguyệt đã cầm ống nghe. Liễu Nguyệt hỏi ai. Đường Uyển Nhi bảo em không nhận ra tiếng của chị sao? Liền hỏi thăm sức khoẻ của thầy giáo Điệp và cô Thanh như thế nào.
Ở đầu dây bên kia, Liễu Nguyệt vui vẻ hỏi:
- Chị Đường Uyển Nhi đấy à? Muộn thế này có chuyện gì gấp thế?
Đường Uyển Nhi đáp:
- Có chuyện gì quan trọng đâu? Chỉ hỏi xem trong nhà có việc gì nặng nhọc không, ví dụ như chở than, mua gạo, thay bình ga. Chu Mẫn có sức khoẻ mà!
Liễu Nguyệt gọi Ngưu Nguyệt Thanh. Ngưu Nguyệt Thanh hỏi điện thoại của ai. Liễu Nguyệt trả lời của Đường Uyển Nhi, chị ấy bảo nhà ta có việc gì nặng nhọc để họ làm. Ngưu Nguyệt Thanh bèn đi tới nhận điện thoại. Chị nói:
- Cám ơn Đường Uyển Nhi đã có tấm lòng, tại sao em không đến nhà chơi?
Đường Uyển Nhi đáp:
- Em đâu có không muốn đi? Chỉ có điều thầy giáo Điệp bận sáng tác, sao lại đến làm phiền nhiễu?
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Thầy giáo Điệp của em đi vắng, đi họp Hội đồng nhân dân thành phố, có lẽ khoảng vài hôm, em đến chơi nhé?
Đường Uyển Nhi trả lời:
- Nhất định đến, thế nào cũng đến!
Đường Uyển Nhi nhẹ nhõm cả người. Nhẹ nhõm rồi, thì nghĩ, nếu trong thời gian họp đi tìm anh ấy, chẳng phải càng thuận tiện hơn sao? Bỏ máy điện thoại xuống, mới hối hận đã quên hỏi Trang Chi Điệp họp ở đâu.
Tối hôm sau, Chu Mẫn về sớm, ăn cơm xong liền gục đầu xuống bàn viết cái gì đó. Đường Uyển Nhi đến gần xem, thì Chu Mẫn đưa tay ra che, Đường Uyển Nhi liền bĩu môi bỏ đi, bê tivi vào buồng ngủ xem. Vốn định giết thời gian rồi đi ngủ, nào ngờ tivi phát bản tin chuyên đề về Hội nghị Hội đồng nhân dân thành phố. Trang Chi Điệp liền xuất hiện trên màn hình, ngồi nghiêm chỉnh trên bàn chủ tịch cuộc họp, bỗng dưng Đường Uyển Nhi lại nghĩ, nếu mình đã trở thành phu nhân của Trang Chi Điệp, thì hay biết mấy. vậy thì tin tức truyền tới huyện lỵ Đồng Quan, tối nay, dân phố huyện Đồng Quan đã nhìn thấy Trang Chi Điệp trong tivi, tất nhiên sẽ bàn bạc về mình, vậy thì những ai biết mình, sẽ phải thay đổi ngay những lời trách cứ đối với mình, hâm mộ tới mức không còn biết nói gì nữa. Cái gã công nhân mất vợ kia, còn gì đáng nói nữa cơ chứ? Sở dĩ anh ta làm ầm ĩ mãi với Chu Mẫn, là vì địa vị của Chu Mẫn không cao hơn anh ta bao nhiêu, nhưng đã trở thành phu nhân của Trang Chi Điệp thật sự, thì anh ta chỉ có thể xấu hổ mà tự động ly hôn. Nghĩ như vậy, lại không sao nín nhịn nổi, liền đưa tay xuống gãi gãi bật bật. Xong việc, Chu Mẫn thu dọn bút, giấy đi vào buồng, hai người lại tự nhiên im lặng, ai nấy tắt đèn đi ngủ. Đường Uyển Nhi có thói quen, thích cởi hết quần áo nằm ngủ trần truồng, hơn nữa lại còn co hai chân như con mèo nằm gọn lỏn trong lòng đàn ông mới ngủ được. Đầu tiên Chu Mẫn nêu lên, ngủ thế mệt quá, mỗi người cuộn tròn một chăn ngủ hay hơn. Đường Uyển Nhi cứ một mực không nghe, bây giờ lại chủ động giả thành hai ống chăn. Đường Uyển Nhi đang mơ mơ màng màng sắp đi vào giấc ngủ, thì giật nảy người, thì ra Chu Mẫn đã từ ống chăn kia chui sang. Đường Uyển Nhi lập tức đẩy tay Chu Mẫn ra nói:
- Em buồn ngủ rồi!
Bị hắt hủi, Chu Mẫn không chui vào nữa, bực bội quay về ống chăn của mình, song không sao ngủ được, ngồi dậy thở vắn than dài. Đường Uyển Nhi cứ tỉnh bơ. Chu Mẫn liền bật điện, cầm quyển sách ở cạnh gối quăng xuống đất, sau đó nghẹn ngào khóc nức khóc nở. Đường Uyển Nhi càng thấy ác cảm, lên giọng:
- Tâm thần à? Nửa đêm gà gáy khóc lóc cái nỗi gì?
Chu Mẫn nói:
- Anh buồn lắm. Em đã không an ủi anh, lại còn giận dỗi anh. Người đời thường bảo gia đình là cảng tránh gió, anh là cánh thuyền rách nát về đến cảng lại còn bị sóng gió vùi dập.
Đường Uyển Nhi nói:
- Mình coi đây là cái gia đình gì? Đàn bà dựa vào đàn ông, tôi vứt bỏ cuộc sống yên ổn, vứt bỏ con cái, danh dự, vứt bỏ công việc, đi theo anh. Nhưng đi theo anh để lang thang như thế này ư? Sống hôm nay không biết đến ngày mai, con đường trước mặt đen như mực, hỏi còn là gia đình không? Huống hồ ngày nào người chung quanh cũng nhìn vào bằng ánh mắt coi thường. Hôm nọ vợ Uông Hy Miên chế giễu trước mặt mọi người, cũng chẳng thấy anh dành được một cái rắm kêu nào. Tôi không an ủi anh ư. Ngày nào anh chẳng đi sớm về muộn, nhất tôi ở nhà vò võ một mình, suốt ngày suốt buổi không nói được một câu, thì ai đến thương nhớ tôi hả anh?
Chu Mẫn nói:
- Chính vì nghĩ thay em mà một mình anh chống chọi với một khó khăn tày trời, vậy mà em lại oán anh!
Đường Uyển Nhi nói:
- Việc gì ghê gớm thế? Bây giờ anh đã là người văn hoá, không tự do thoải mái cái nỗi gì?
Chu Mẫn kể lại một lượt bài văn kia đã gây chuyện rắc rối như thế nào, rồi bảo:
- Giá ở huyện lỵ Đồng Quan, anh sẽ gọi anh em đi giã cho con mụ họ Cảnh kia một trận cho bõ tức, nhưng trong cái vòng văn hoá ở đây không thịnh hành thủ đoạn này. Được đến làm việc ở toà soạn tạp chí, mình đã nhờ có sự giúp đỡ của thầy giáo Điệp nhưng xảy ra chuyện này, anh ấy lại không có gan thọc dao vào hai lườn. Bây giờ anh ấy cứ đòi giữ vững quan điểm, không phải tìm hiểu yêu đương, muốn ổn thoả cà hai đầu. Nhưng con mụ họ Cảnh đâu có chịu lép, nếu cứ gây sức ép với anh ấy nữa, Trang Chi Điệp có lẽ sẽ phải nói nội dung bài viết hoàn toàn không chân thực. Vậy thì anh thành đạt là nhờ anh ấy, tới đây anh thất bại có lẽ cũng là do anh ấy.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian